Ở CES 2016 có nhiều xu hướng về sản phẩm công nghệ, ví dụ như sự xuất hiện của ngày càng nhiều drone, thiết bị thực tế ảo, kính tăng cường thực tế ảo, xe hơi thông minh... Tuy nhiên, thứ xuất hiện nhiều nhất xuyên suốt nhiều dải sản phẩm và sẽ có tác động đến cách chúng ta dùng đồ công nghệ trong tương lai gần thì chỉ có một: USB-C. Từ điện thoại, laptop, màn hình cho đến phụ kiện, những món đồ USB-C xuất hiện rất nhiều và nó sẽ càng trở nên phổ biến hơn nữa trong năm nay, và như vậy có nghĩa là hệ sinh thái đang tăng tốc phát triển. Cuối cùng thì những người dùng như anh em Tinh tế chúng ta sẽđược hưởng lợi nhiều nhất, vì khi đó USB-C sẽ xuất hiện khắp mọi nơi, chúng ta có thể dễ dàng mượn phụ kiện, cáp sạc của nhau mà không còn gặp khó khăn gì. Thứ còn thiếu chính là những thiết bị ngoại vi như chuột, bàn phím, ổ cứng, máy in... dùng USB-C.
USB-C là gì?
Dành cho những anh em chưa biết, USB-C hay còn gọi là USB type-C là một chuẩn cổng kết nối mới. Nó bắt đầu được các hãng công nghệ áp dụng trong năm 2015. Một số thiết bị thương mại đầu tiên dùng cổng USB-C bao gồm điện thoại OnePlus 2, máy tính MacBook 12" Retina. Kích thước của đầu USB-C là 8.4mm x 2.6mm, đủ để sử dụng trong cả những thiết bị mỏng nhỏ, thậm chí là cả phụ kiện.
USB-C chỉ là cái đầu dùng để gắn thiết bị này với thiết bị khác, còn cấu hình truyền dữ liệu lại là một chuyện khác. USB-C hoàn toàn có thể dùng với cấu hình USB 2.0, USB 3.0, 3.1, Thunderbolt 3 và một số thứ khác tùy theo ý định của các nhà sản xuất. Hiện tại USB-C dùng USB 2.0 đang khá phổ biến trên các thiết bị di động động (tốc độ truyền tải dữ liệu tối đa 480Mbps), một số ít máy tính có dùng USB 3.1 (gen 1 là 5Gbps, gen 2 là 10Gbps) và Thunderbolt 3 (băng thông tối đa 40Gbps).
Một đầu USB-C vừa có thể truyền điện, truyền dữ liệu và truyền luôn cả hình ảnh. Bên dưới là cấu tạo của một sợi cáp USB-C bình thường (chụp ở gian hàng của Belkin ở CES 2016), mời anh em xem qua.
Theo hình ảnh này, outer housing là vỏ ngoài của đầu cáp, inner housing là thêm một lớp vỏ bảo vệ bên trong. Trên cổng kết nối có Electronic marker, nó là con chip chứa thông tin về thiết bị USB-C, tốc độ tối đa của thiết bị, điện năng cần sử dụng, tên thiết bị, nhà sản xuất... Strain relief là bộ phận dùng để giúp cáp không bị đứt gãy dễ dàng. Metal shield là hai lớp vỏ kim loại khác nữa.
Còn về dây, màu vàng là dây truyền tải video, màu đỏ ngoài cùng là dây truyền điện 5V với cường độ tối đa 3 ampe (VBUS), màu đen là dây video audio, xanh dương là dây data cho USB 2.0, màu đỏ mỏng là dây truyền điện chính. Ở bên dưới, ngoài cùng bên trái là dây điện cho e-marker, màu cam ở trong là dây truyền tín hiệu tốc độ cao số 1, kế đó là hai sợi nhận tín hiệu số 1 và 2 rồi tiếp theo mới là sợi truyền số 2. Dây xanh lá cũng là 2 dây truyền nữa nhằm tạo ra băng thông lớn cho cáp.
USB-C, xu hướng nổi bật của CES
Trong lúc dạo qua gian hàng của những hãng lớn ở CES 2016, cái mà mình thấy nhiều nhất là những bản quảng cáo ghi chữ USB-C để gần các thiết bị công nghệ mới được ra mắt.
Gian của Samsung thì để chữ USB-C ở gần chiếc máy tính bảng Tab Pro S và laptop Notebook 9. Trong đó, chiếc Notebook 9 thì xài cổng này để xuất hình ảnh ra ngoài màn hình, còn Tab Pro S thì nối sang dock mở rộng để vừa xuất ra monitor vừa lấy thêm một cổng USB full size để ghi ổ cứng, chuột,...
Gian của LG thì có trưng chiếc Ultrabook mới dùng USB-C.
Gian hàng của Qualcomm và DisplayPort thì tập trung trình diễn việc sử dụng USB-C để xuất hình ảnh ra màn hình ngoài. Ở đây có MacBook 12" nối vối màn hình Asus, mà độc cái là màn hình này chả cần xài nguồn hay dậy nhợ gì khác ngoài 1 sợi cáp USB-C độc nhất.
Sang đến quầy Razer thì chúng ta thấy trình diễn việc sử dụng cổng USB-C với giao thức Thunderbolt 3 để nối laptop Blade Stealth với dock mở rộng card đồ họa. Card đồ họa này là card desktop, nó có tác dụng tăng sức xử lý đồ họa cho Stealth khi bạn chơi game. Với băng thông 40Gbps của Thunderbolt 3 thì cũng đủ xài cho cả card đồ họa luôn, rất là gấu.
Lenovo thì mang đến chiếc ThinkPad X1 Tablet mới xài cổng USB-C. Việc xuất hiện cổng USB-C trên các máy mỏng như X1 Tablet hay Samsung Tab Pro S là thứ rất hay, vì nó có đủ hết chức năng cần thiết của cổng USB cũ trong khi lại mỏng hơn rất nhiều. Như anh em cũng có thể thấy, X1 Tablet hay Tab Pro S làm sao có thể mỏng được như vậy nếu tích hợp cổng USB-A (full-size). Nói cách khác, USB-C chính là con đường giúp các nhà sản xuất làm ra những chiếc máy mỏng hơn.
Mặc dù không nằm trong triển lãm nhưng lúc mình đi dạo vòng vòng bên Mỹ thì cũng thấy Microsoft Store trưng bày Dell XPS 15 đời 2015. Nó cũng có cổng Thunderbolt 3 luôn.
Huawei và LG cũng vác Nexus 5X và 6P tới. Đây là hai chiếc điện thoại với cổng USB-C, mà lại là của Google nữa chứ. Với sự hậu thuẫn từ nhiều hãng lớn như vậy, chuyện USB-C trở nên phổ biến sẽ là điều hiển nhiên.
Gian hàng của Belkin và nhiều nhà sản xuất phụ kiện khác thì đem rất nhiều dây cáp USB-C tới, có cả dây cho USB 2.0, 3.1, dây Thunderbolt 3 thì chưa thấy.
Tóm lại, USB-C hiện đã có mặt trên rất nhiều thiết bị, nhưng hầu hết chỉ là thiết bị host (thiết bị chủ, làm nhiều vụ điều khiển, chép dữ liệu, xuất hình ảnh,...). Thứ còn thiếu chính là thiết bị ngoại vi (peripheral, là thứ mà bạn dùng để cắm vào host). Ở CES mình không thấy ổ cứng, chuột, máy in hay những thứ tương tự mà xài USB-C, màn hình USB-C thì chỉ thấy mỗi cái của Asus, Dell và HP có hứa là sẽ sớm ra mắt màn hình xài cổng này nhưng vẫn chưa thấy. Hầu hết vẫn còn dùng cổng USB-A truyền thống, tức là chúng ta vẫn chưa thể tận dụng được triệt để những lợi ích của USB-C.
Samsung có giới thiệu ổ SSD T3 dùng USB-C, nhưng chỉ là đầu USB-C trên thân ổ mà thôi, còn đầu kia đi ra máy tính thì vẫn là USB-A full size. Trong tương lai, chúng ta có thể đổi dây USB-C hai đầu để xài luôn.
Tuy nhiên, mình nghĩ rằng đây sẽ không phải là vấn đề lớn và nó sẽ sớm được giải quyết trong tương lai gần. Một khi trên thị trường có nhiều máy host xài USB-C, các hãng phụ kiện sẽ đảm bảo rằng đồ mình làm ra thì người ta sẽ dùng được, khi đó họ sẽ bắt đầu đẩy mạnh việc nghiên cứu và thiết kế các thiết bị ngoại vi USB-C. Thực chất thì đây cũng là điều đã từng diễn ra với USB-A hay microUSB, vì lúc mới ra các hãng phụ kiện sợ là đồ họ sản xuất sẽ không bán được dẫn đến lỗ. Còn khi USB-A đã tràn ngập thị trường laptop và desktop, đồ chơi dành cho cổng này giống như bùng nổ và vẫn còn kéo dài tới ngày nay.
Một khi thiết bị ngoại vi USB-C trở nên phổ biến giống như các máy host, đó là lúc chúng ta tận hưởng được cái sướng và tiện mà chuẩn này mang lại. Còn trong thời gian này, chúng ta có thể xài tạm giải pháp cáp chuyển từ đầu cũ sang đầy USB-C, như Belkin có cáp chuyển từ đầy USB trên máy in sang đầu USB-C, rồi microUSB sang USB-C...
Theo: Tinh Tế - https://tinhte.vn/threads/usb-c-xu-huong-dang-quan-tam-nhat-ces-2016-nhung-van-con-thieu-thiet-bi-ngoai-vi.2542989/
CÔNG TY TNHH PHỤ KIỆN DẾ YÊU
Cơ sở 1: Chợ ngã 3 Hòa Lạc, Thạch Thất, Hà Nội (Đi vào ~200m)
Cơ sở 2: Đồng Me, Nam Từ Liêm, Hà Nội
Hotline: 0934 533 335 (24/7) và 0834 71 2222 (Sáng: 7h45 - 11h30, mùa lạnh muộn hơn 20 phút. Chiều: 13h45 - 17h30)
Liên hệ bán buôn/ Dự án/ Quà tặng: 0961 524 526 (24/7)
Email: pkdeyeu@gmail.com
Giấy CNĐKKD và mã số doanh nghiệp số: 0110037154